Trách nhiệm người đứng đầu - “chìa khóa” thành công
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), người đứng đầu các cấp, ngành trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách TTHC.
Công chức bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến (Đông Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tố Phương
Những năm gần đây, Thanh Hóa liên tục đứng trong tốp đầu cả nước về chỉ số CCHC (PAR INDER); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Để có được kết quả này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn, như: kế hoạch CCHC hằng năm và cả giai đoạn; kế hoạch kiểm soát TTHC; kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ số... Cùng với đó, Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa; Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử; Ban Xúc tiến đầu tư đặc biệt để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ... Không chỉ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hàng loạt hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI cũng được tỉnh tổ chức để bàn các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Tại nhiều diễn đàn chính trị lớn của tỉnh, nội dung CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Tinh thần cải cách và đổi mới chỉ thực sự hiệu quả khi trở thành hành động thống nhất từ tỉnh, huyện đến xã và thấm sâu trong nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình, đề án và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC, đồng thời xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện kế hoạch CCHC 5 năm và hằng năm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả.
Năm 2023, huyện Hoằng Hóa đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số DDCI với 90,83 điểm và đứng thứ 2 về chỉ số CCHC cấp huyện với 91,92 điểm. Đây là kết quả đáng phấn khởi, minh chứng cho tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của người đứng đầu UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành hàng chục kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đồng thời triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2022-2030”; Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm tra, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính... Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC bằng việc ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở 100% các xã, thị trấn. Qua đó tạo sự thay đổi rõ rệt cả về “lượng” và “chất” trong giải quyết TTHC, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
3 năm liên tiếp huyện Đông Sơn giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC cấp huyện. Trong thành tích chung này có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các xã, thị trấn. Tại xã Đông Tiến, UBND xã đã đăng ký với UBND huyện thực hiện mô hình “một cửa” hiện đại, trị giá gần 3 tỷ đồng. Chị Trần Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến phụ trách bộ phận “một cửa”, cho biết: “Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, xã đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất cùng hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, chúng tôi nghiên cứu, đưa vào thực hiện mô hình “Tổng đài hỗ trợ giải quyết TTHC” để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, được Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn biểu dương và đánh giá cao. Định kỳ 2 lần/tháng, bộ phận “một cửa” giao ban để báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết TTHC. Định kỳ hằng tháng, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC tại hội nghị đánh giá công tác tháng của UBND xã và báo cáo về đảng ủy xã. Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC, bộ phận “một cửa” công khai đường dây nóng là số điện thoại của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND xã để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân. Chủ tịch UBND xã cũng duy trì lịch tiếp công dân vào sáng thứ 2 hằng tuần, khi chủ tịch có việc bận thì các phó chủ tịch sẽ thực hiện tiếp dân”. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, 100% hồ sơ TTHC của tổ chức, công dân ở Đông Tiến được trả trước hẹn và đúng hẹn. Qua lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC, 100% tổ chức, công dân đều hài lòng.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 các chỉ số PAR INDER, SIPAS, PCI và PAPI của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để hiện thực hóa cùng lúc 4 chỉ số này đòi hỏi người đứng đầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành theo hướng “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Đây được xem là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách.
Nguồn: baothanhhoa.vn