Câu chuyện Chuyển đổi số: Thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
Nhằm phát huy sức mạnh công nghệ số, làm thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn chiến lược; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, giúp hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được tốt hơn; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
(Ảnh sưu tầm trên Internet)
Trong năm 2022, Sở LĐTBXH đã ban hành các kế hoạch, chương trình về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động của ngành LĐTBXH, đạt được kết quả tích cực như sau:
Ngành LĐTBXH đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành (hệ thống phần mềm tra cứu hồ sơ trực tuyến người có công; CSDL hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; CSDL cung, cầu lao động; CSDL tài chính, trợ cấp ưu đãi người có công...) và thực hiện kết nối với CSDL quốc gia; quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của ngành; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử (đã ban hành trên 15.000 văn bản điện tử, trừ văn bản mật) theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh (tại Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020); đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Sở LĐTBXH có 05 TTHC đạt mức độ 3, có 62 TTHC đạt mức 4. Trong năm 2022, Sở LĐTBXH đã tiếp nhận 160.422 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC. Kết quả: Số hồ sơ đã giải quyết 157.232 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn 2.429 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 154.803 hồ sơ; không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Phối hợp với Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu cho gần 70.000 người cao tuổi, hơn 60.000 người có công với cách mạng; trên 67.000 hộ nghèo và trên 86.000 hộ cận nghèo với CSDL quốc gia về dân cư (theo Đề án 06), đảm bảo tiêu chí là CSDL phải “Đúng - đủ - sạch - sống” và coi đây là nội dung quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành; tiếp tục số hóa đối với các thành phần hồ sơ người có công mới phát sinh. Đến nay, đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công được thuận tiện, dễ dàng so với trích lục hồ sơ giấy; cùng cấp, các ngành và các cấp chính quyền địa phương tăng cường triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em tại cơ sở vào phần mềm quản lý, nhằm đảm bảo 100% dữ liệu cần thiết phục vụ hoạt động quản lý thông tin về đối tượng tại cơ sở được số hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả; đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý.
Ưu tiên bố trí kinh phí để đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, trước mắt tập trung kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với hệ thống công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị đảm bảo an ninh, an toàn. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Trung ương và Tỉnh tổ chức. Trong năm 2022, đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cho cán bộ lãnh đạo, kế toán Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố; 02 lớp tập huấn về chuyển đổi số, an ninh, an toàn thông tin mạng cho gần 100 cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở; kịp thời thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Sở, Tổ ứng cứu sự cố, Tổ CNTT; rà soát và sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số.
Với Việt Nam, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Để lực lượng lao động ứng phó và thích nghi với quá trình chuyển đổi số là vấn đề không dễ dàng. Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp. Thanh Hóa cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với trên 3,71 triệu người; tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,47 triệu người, chiếm 66,5% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là trên 2,38 triệu người (trong đó, lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 32%; trong ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 40,7%, trong ngành Dịch vụ chiếm 27,3%) nhưng chất lượng lao động chưa cao. Bên cạnh đó, chuyển đổi kỹ thuật số đang định hình lại và chuyển đổi các kỹ năng theo yêu cầu, trong đó nổi bật nhu cầu về nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động.
Với những thách thức đó, để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, ngành LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới (tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 18/7/2022 về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030). Kết quả đạt được từ các giải pháp trên đã giúp tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên liên tục tăng qua các năm (tỷ lệ qua các năm 2019, 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 26%; 27,6%; 28% và 28,5%); số lao động đáp ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Hiện nay, số lao động Thanh Hóa đang làm việc tại nước ngoài khoảng trên 32 nghìn người, tập trung chủ yếu tại các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông v.v.... Lao động có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); đặc biệt, trong đó, có khoảng 05% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ cao; còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội còn có những tồn tại, hạn chế như: (i) Một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa có điều kiện trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý của người dân, doanh nghiệp và chính quyền; (ii) Một số phần mềm chuyên ngành còn rời rạc, biệt lập, chưa kết nối liên thông cơ sở dữ liệu với nhau; (iii) Kinh phí chi thường xuyên về ứng dụng CNTT của tỉnh cấp cho các sở, ban, ngành còn thấp, không đảm bảo cho việc bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp máy chủ, hệ thống máy tính, hệ thống mạng LAN, các thiết bị bảo đảm an toàn thông tin, các phần mềm có bản quyền (Windows, Office v.v...), nhất là trang thiết bị phòng họp trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ họp trực tuyến (thường xuyên phải đi thuê dịch vụ).
Trước yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn trong hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần phải thường xuyên quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Một là, ngành LĐTBXH tiếp tục tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các TTHC đảm bảo khoa học, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.
Hai là, hằng năm xây dựng ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số của ngành LĐTBXH phù hợp với định hướng của Trung ương, của Tỉnh và yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành LĐTBXH; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về CNTT.
Ba là, xây dựng Hệ thống điều hành và quản lý công tác giảm nghèo, Hệ thống phần mềm Quản lý lao động - việc làm và sàn giao dịch việc làm tỉnh Thanh Hóa; thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trong nhóm dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; tiếp tục thực hiện số hóa thành phần hồ sơ người có công với cách mạng mới phát sinh, số hóa hồ sơ quản lý văn bản và hồ sơ công việc; đầu tư nâng cấp trang thiết bị CNTT, hạ tầng mạng để đảm bảo ngày càng tốt hơn trong triển khai chương trình chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới; thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh), góp phần đưa tỷ lệ qua đào tạo đến năm 2030 đạt 80%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%.
Năm là, đẩy mạnh việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa xây dựng mô hình cấp tài khoản an sinh xã hội để tiến hành cấp tài khoản an sinh, thực hiện chi trả các khoản trợ cấp qua tài khoản (không dùng tiền mặt) cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money...) từ ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và chỉ đạo của Bộ LĐTBXH (tại Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022), của Chủ tịch UBND tỉnh (tại Công văn số 19339/UBND-VX ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội)./.
Dương Văn Huệ
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa.